Huy Phong - moingaymotniemvui.com-huyphong.com
trang chủ | ảnh | phonghtn@gmail.com
Giấc mộng
Huy Phong12/7/2005

Hướng Gia vốn là người nước Phò, phụ trách mảng giáo dục chăm lo việc phát triển dân trí, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Mới ngày nào xênh xang áo mão nhận giải Trạng nguyên, rồi sung sướng lãnh chức vụ giáo dục đại thần. Theo quan điểm của Gia thì giáo dục cũng như những nghề khác, phải chỉnh sửa từ từ theo kinh nghiệm hàng năm. Rồi thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà Hướng Gia đã tròm trèm đến cái tuổi xưa nay hiếm. Trong đời ông, sự nghiệp giáo dục cho dân chúng có thễ nói là tốt vì bộ của ông vẫn cho ra lò đều nào câu tú, ông cử, ông nghè…chất lượng thì ông không quan tâm lắm vì đứa nào dốt thì là do bản thân nó dốt, vì những đứa ra lò vẫn có đứa thông minh giỏi giang kia mà. Nhưng ông cũng phải công nhận rằng, trong quá trình làm việc của ông, không ít lần ông làm học trò oán thán ông do những quyết định cải cách giáo dục của ông. Đã có ít nhất ba lần ông nhận được bom thư cảnh cáo cái trò cải cách nửa mùa, không đến nơi của ông. Nhưng có hề gì, ông đâu có sợ, ông là làm cho nước cho dân, xá gì những phần tử chống đối mang tính chất phá hoại.

Ngày ông nhậm chức, ông mới mười lăm, vì ông là thần đồng, năm nay ông đã bảy mươi, coi như ông đã thành công. Nhưng thời gian nhận chức của ông là ngót nghét năm mươi lăm năm, đủ để gần ba thế thệ được học dưới sự chỉ đạo của ông. Thời gian gần đây ông nghe phong phanh bên Ty thông tin có sớ lên hoàng thượng về việc một bộ phận không nhỏ những công tử con nhà trọc phú có những lối sống không lành mạnh mà hiện đã lan rộng ra khắp các thành phần thanh thiếu niên. Qua điều tra và thăm dò dân chúng trong thành, ai ai cũng kêu ca do lúc nhỏ, những thanh niên này phải học quá nhiều, học thêm, học ngoại ngữ, học đủ thứ. Lớn lên cũng thế, học nhiều nhưng không thấy học đạo đức bao nhiêu. Nghe đâu cha mẹ chúng cũng đã nếm mùi các giáo trình tương tự, nên việc kêu gọi cha mẹ làm gương cho con cái cũng hơi khó. Hướng Gia cũng hơi giật mình, tự nhủ lòng không biết chuyện này thực hư ra sao.

Thế rồi một bữa ông nằm mộng. Ông nằm mộng thấy ông bị đày đến một vùng đất khô cằn, chó ăn đá gà cũng ăn đá. Rồi ông bắt đầu phá đất trồng lúa. Đất khô cằn là thế, đất khó chịu là thế vậy mà thấm thoắt ông bị đày gần mười năm, mảnh đất ông canh tác đến vụ thu hoạch cũng chỉ đạt có năm tạ thóc. Ông buồn rầu ngồi nghỉ ngơi thì đùng một cái, ông bị đày đi nơi khác. Nơi này, đất màu mỡ, ông canh tác trong vụ đầu tiên được gần năm mươi tạ thóc. Nhưng rồi tự dưng có một cơn lũ ở đâu ập tới, cuốn trôi tất cả, cả ông cả thóc cả đất cát, tất cả xoáy mạnh…Ông giật mình tỉnh giấc, mồ hôi ướt đẫm lưng. Vừa sợ vừa không hiểu giấc mộng nói gì. Sáng hôm sau ông ăn bận chỉnh tề rồi một người một ngựa ông đi tìm một ông bạn cố tri của ông. Năm xưa, khi thi giải trạng nguyên, chính ông là người đã sử dụng bài thi của người này và ông đã thi đậu. Còn bạn ông, Hoài Lão Ông, thì rút về ở ẩn, sống bình thường như bao người khác, sáng đánh trâu ra đồng, tối về ngâm thơ, uống rượu.

Uống hết một tuần trà, Hướng Gia mới vào nhờ Hoài Lão Ông giải dùm giấc mộng. Hoài Lão Ông bấm ngón tay, hỏi đi hỏi lại giấc mộng của Hướng Gia rồi than rằng. Than ôi Hướng huynh ơi là Hướng huynh, thế này là họa lớn, hoạ lớn rồi, Nói xong, Hoài Lão Ông lấy bút nghiên ra, thảo ngay một bài giải mộng rồi bỏ đi để mặc Hướng Gia ở lại. Hướng Gia mở ra đọc thì thấy nguyên văn như sau:
“Giáo dục, vốn là công tác khai hoá, khai hoang cho con người. Một đứa trẻ sinh ra, lớn lên, giáo dục là cách chỉ bảo cho con trẻ cái điều hay lẽ phải về đạo đức, cái tính toán chính xác của toán học. Biết vận dụng các kiến thức thiên văn địa lý để giải thích các hiện tượng tự nhiên. Con trẻ đi học, cũng như mảnh đất chưa được khai hoang, có mảnh tốt mảnh xấu, có mảnh chỉ có sỏi. Công tác giáo dục là phải khai khoang, khai phá mảnh đất đó. Vụ thu hoạch chỉ có năm tạ thóc thôi, nhưng vấn đề chính là đã làm cho mảnh đất đó trồng được lúa. Đó mới là căn cơ. Còn mảnh đất mới trồng đã thu hoạch năm mươi tạ, đó là vấn đề. Hiện nay, Hướng huynh có bao nhiêu là quỹ cho các giáo viên dạy giỏi, có bao nhiêu bảng thành tích cho các trường có tỉ lệ thi đậu cao. Đó là vấn đề, Hướng huynh còn nhớ bài thi năm nào không, tôi đã nói rồi, giáo dục là khai phá, còn thu hoạch là để đời lo. Bây giờ nhìn xem có mấy em học với cái giáo trình của huynh mà ra làm được việc đâu. Trẻ em như búp trên cành, Hướng huynh dạy dỗ theo kiểu thành tích mới sinh ra cơn lũ về đạo đức, về lối sống. Cái lối sống không định hướng, một phần do trách nhiệm của huynh sẽ cuốn tất cả, từ ruộng lúa đến thành quả, không còn gì nữa đâu.”
Đọc xong, Hướng Gia kêu lên một tiếng rồi nằm vật ra, mắt không nhắm lại được.

Huy Phong
 

Mail to: phonghtn@gmail.com
  • Những bài cũ hơn
  • Đêm nghe biển hát (12/1/2005)
  • 3h (12/1/2005)
  • Những bài mới hơn
  • Thời gian (12/7/2005)
  • Cúc đại đóa (12/7/2005)
  • ADSL (12/7/2005)
  • Sân ga (12/13/2005)
  • Về vội (12/13/2005)
  • Con ngoan (12/15/2005)
  • Chuyển khẩu (12/15/2005)
  • Những đốm lửa hồng (12/21/2005)
  • Truyện chưa đặt tên (1/20/2006)
  • Bánh chưng muộn (3/7/2006)
  • Tìm kiếm:    Tìm
    Chủ đề khác:
    blog comments powered by Disqus